Khi bạn mua tiền điện tử trên sàn giao dịch, sàn có thể giữ chìa khóa mở quỹ tiền của bạn. Tuy nhiên, bạn cũng có thể rút tiền về ví tiền điện tử cá nhân, dù là ví nóng hay ví lạnh. Bài viết dưới sẽ giúp bạn đọc nắm được:

  • Ví tiền điện tử là gì?
  • Ví tiền điện tử hoạt động như thế nào, gồm những thành phần gì?
  • Phân loại và giới thiệu một số loại ví phổ biến
  • Những điều cần lưu ý khi chọn ví tiền điện tử

Ví tiền điện tử là gì?

Ví tiền điện tử là công cụ lưu trữ tiền điện tử, giúp bạn tương tác với mạng blockchain. Đa số ví tiền điện tử dựa trên một phần mềm cho phép lưu trữ, gửi, nhận và theo dõi tiền điện tử. Nói cách khác nó giống như một tài khoản ngân hàng, nhưng có tính bảo mật cao hơn, không định danh chủ sở hữu.

Ví tiền điện tử hoạt động như thế nào?

Không giống như ví thông thường có thể chứa tiền mặt, ví tiền điện tử về mặt kỹ thuật không chứa tiền của bạn. Khoản tiền đó thực chất nằm trên blockchain. Ví tiền điện tử mang những thông tin cần thiết để gửi và nhận tiền thông qua giao dịch blockchain. Những thông tin đó bao gồm địa chỉ ví, khóa cá nhân.

Việc gửi tiền điện tử sang ví khác tương đối đơn giản. Sau khi biết địa chỉ ví của người nhận, bạn chỉ cần mở ví của mình, chọn lượng tiền bạn muốn và gửi đến địa chỉ đó.

Các thành phần của ví tiền điện tử

Khi tạo một ví tiền điện tử, bạn được cung cấp 3 loại mã, tương ứng với 3 thành phần: Address, Private Key, Passphrase

Address - Địa chỉ ví

Address (địa chỉ ví hay còn gọi là Public Key) là chuỗi ký tự ngẫu nhiên gồm chữ và số. Địa chỉ ví giống như số tài khoản ngân hàng. Bạn có thể chia sẻ nó cho người khác để họ có thể chuyển hoặc nhận tiền từ địa chỉ này khi bạn cho phép.

Địa chỉ ví của các blockchain khác nhau sẽ có dạng khác nhau. Ví dụ như Binance Smart Chain và Ethereum đều là EVM Compatible, nên sẽ bắt đầu bằng 0x…, trong khi Solana hay Bitcoin sẽ là một chuỗi ký tự ngẫu nhiên.

Private Key - Khóa cá nhân

Private Key, hay còn gọi là khoá cá nhân, cũng là chuỗi ngẫu nhiên các ký tự gồm số và chữ, không theo bất kỳ cấu trúc nào, đóng vai trò như mật khẩu ngân hàng để bạn tiếp cận quỹ tiền của mình. Điểm khác biệt là mật khẩu ngân hàng có thể thay đổi được, còn khóa cá nhân thì không. Ví dụ: 0xb46e06d22ce739ce1961724c45acd57831a21eca12fcf691c25d0f0562b5b5f6

Khóa cá nhân chứng minh quyền sở hữu của bạn và cho phép thực hiện các giao dịch. Nếu làm mất khóa cá nhân, bạn sẽ mất quyền truy cập ví và coi như mất tiền. Đó là lý do hãy bảo vệ và không tiết lộ khóa cá nhân cho bất kỳ ai, nên viết ra giấy và cất ở nơi an toàn.

c thành phần của ví tiền điện tử

Passphrase

Passphrase cũng là một dạng khóa cá nhân, nhưng không bắt buộc, bao gồm 12 hoặc 24 từ tiếng anh ngẫu nhiên. Ví dụ về Passphrase: convince between inside solve into slam labor warfare demand song october tram.

Passphrase cung cấp thêm một lớp bảo mật thứ hai cho ví tiền điện tử của bạn, giống như xác thực hai lớp. Passphrase làm tăng độ phức tạp của ví, nhưng nếu bạn làm mất passphrase, bạn có thể mất tiền. Do đó, passphrase phải được sao lưu cẩn thận giống như khóa cá nhân.

Phân loại ví tiền điện tử

Ví tiền điện tử nhìn chung chia thành hai loại: ví phần mềmví phần cứng.

Ví phần mềm là các chương trình máy tính hoặc tiện ích trên trình duyệt, giúp mọi người dễ dàng gửi, nhận và lưu trữ tiền điện tử. Ví phần cứng phục vụ một mục đích tương tự nhưng là thiết bị có thể được cắm vào máy tính.

Ví phần mềm đôi khi được gọi là ví "nóng" vì tiền được giữ trực tuyến. Ví phần cứng giữ khóa riêng tư ngoại tuyến được gọi là ví "lạnh".

Ví phần cứng

Ví phần cứng hay ví lạnh là một thiết bị nhỏ có thể lưu trữ tiền điện tử ngoại tuyến. Khi sử dụng, bạn cần cắm ví vào cổng USB trên máy tính. Điều này an toàn hơn vì tất cả quá trình diễn ra trên máy tính của bạn.

Ví phần cứng điển hình có giá khoảng 100 USD, có cách sử dụng phức tạp hơn một chút so với ví phần mềm. Hầu hết các ví phần cứng tương tác với máy tính theo một trong ba cách:

  • Giao diện dựa trên web
  • Một ứng dụng do công ty tạo
  • Một ví phần mềm riêng biệt

Nhà đầu tư tiền điện tử thường coi ví lạnh là lựa chọn an toàn nhất để bảo vệ tài sản. Vì ngoại tuyến nên ví phần cứng khó bị hack nhất. Song, nó vẫn đi cùng rủi ro bởi ví lạnh có thể bị thất lạc.

Ngoài ra, bạn nên mua thiết bị trực tiếp từ nhà sản xuất, thay vì mua hàng cũ. Nếu bạn mua từ một bên thứ ba, thiết bị có nguy cơ bị tin tặc tác động. Kẻ đó có thể đã mua, xâm phạm thiết bị và đóng gói lại để bán.

Một số loại ví lạnh phổ biến bao gồm ví Ledger và ví Trezor. Ngoại trừ khác biệt về chất liệu (Trezor làm bằng nhựa, Ledger làm bằng kim loại), và hỗ trợ tài sản hơi khác nhau một chút, hai loại ví không có nhiều điểm khác biệt.

Ví lạnh Trezor và Ledger. Ảnh: Unsplash

Đánh giá:

  • Ưu điểm: Mức độ bảo mật cao hơn
  • Nhược điểm: Giá thành cao, thiếu linh hoạt

Ví phần mềm

Ví phần mềm hay ví nóng là một chương trình máy tính hoặc ứng dụng di động chứa khóa cá nhân trực tuyến. Ba loại ví nóng chính bao gồm:

  • Ví dựa trên web, như MetaMask, hoạt động như một extension của trình duyệt và có thể gửi, nhận ETH, giúp người dùng dễ dàng tương tác với những thứ như ứng dụng phi tập trung và giao thức tài chính phi tập trung (DeFi)
  • Ví desktop, chẳng hạn như ví Electrum, có thể được sử dụng trên máy tính để bàn hoặc laptop.
  • Ví di động, chẳng hạn như ví Blockchain.com, cho phép người dùng lưu trữ và quản lý tiền điện tử trên điện thoại iOS hoặc Android. Loại ví này thuận tiện cho việc trao đổi trực tiếp. Nhiều ví di động sử dụng mã QR, giúp giao dịch nhanh chóng.

Một số loại ví nóng hàng đầu bao gồm:

  • MetaMask – một extension trên trình duyệt, có thể tích hợp với gần như tất cả các dApp
  • Trust Wallet một trong những ví ra đời sớm, hỗ trợ hơn 160.000 tài sản và blochain.
  • Exodus: ví di đông và desktop lưu trữ nhiều loại tiền điện tử, có giao diện thân thiện với người dùng.

Đánh giá:

  • Ưu điểm: miễn phí, đa dạng lựa chọn, có thể kết nói Appp hoặc tiện ích mở rộng trên trình duyệt.
  • Nhược điểm: Dễ bị hack hơn so với ví lạnh và luôn kết nối mạng nên hacker dễ tấn công.

Những điều cần lưu ý khi chọn ví tiền điện tử

  • Bảo mật: Mỗi ví tiền điện tử sẽ có bảo mật hơi khác nhau, vì vậy bạn nên kiểm tra những đặc điểm này cẩn thận trước khi lựa chọn.
  • Các khoản phí: Cách tính phí giao dịch có thể khác nhau giữa các ví. Chúng có thể được đặt tự động để giao dịch nhanh hơn. Nếu bạn muốn cắt giảm chi phí, một số ví tiền điện tử cho phép bạn tùy chỉnh từng khoản phí, nhưng điều này có thể làm chậm thời gian giao dịch.
  • Tiền điện tử: Một số ví hỗ trợ nhiều loại tiền điện tử khác nhau, trong khi những ví khác thì hạn chế hơn.
  • Hỗ trợ khách hàng: Một số nhà cung cấp ví có dịch vụ hỗ trợ 24/7. Mức độ hỗ trợ có thể khác nhau rất nhiều giữa các nhà cung cấp.
  • Truy cập: Vị trí và thời điểm bạn thường giao dịch tiền điện tử  có thể giúp bạn chọn ví tiền điện tử hợp. Nếu sử dụng máy tính thường xuyên, bạn có thể sử dụng ví phần cứng và ví desktop. Đối với những người dùng điện thoại di động nhiều hơn, các ứng dụng điện thoại thông minh và ví dựa trên trình duyệt có thể phù hợp hơn.

Tổng kết

Trên đây là những thông tin cơ bản về ví tiền điện tử. Mong rằng bài viết cung cấp cho bạn đọc những thông tin bổ ích để lựa chọn loại ví phù hợp, giúp cho việc giao dịch diễn ra thuận tiện, an toàn.

Theo Business Insider, Time, n26, Binance Academy