1. Testnet là gì?
Testnet (Mạng thử nghiệm) là phiên bản blockchain chạy thử nghiệm với mục đích để nhà phát triển có thể kiểm tra các chức năng, tính năng, hiệu suất, tìm lỗi của hệ thống...Dựa trên kết quả thu được sẽ điều chỉnh lại trước khi chạy bản chính thức (Mainnet).
Các tệp dữ liệu sẽ được tái sử dụng để đem ra so sánh giữa các lần chạy thử. Môi trường khép kín này cho phép các nhà phát triển nắm bắt được các rủi ro, đồng thời thực nghiệm và tìm ra một mô hình, phiên bản ổn định nhất để có thể triển khai trên mainnet.
Một số blockchain (ví dụ: Ethereum) cung cấp các phương pháp, công cụ và chứng chỉ tiêu chuẩn để kiểm tra chính xác và kỹ lưỡng các mạng phức hợp trên quy mô lớn. Có thể nói testnet là một phần không thể thiếu trong quá trình giới thiệu, là bước đệm cho việc áp dụng hàng loạt.
2. Mainnet là gì?
Mainnet (Mạng chính) là phiên bản cuối cùng, ổn định và đầy đủ chức năng nhất của blockchain. Mainnet là một blockchain độc lập, tự chạy trên mạng riêng với công nghệ và giao thức tách biệt, không bị phụ thuộc vào blockchain của các coin khác (Ethereum, Bitcoin, v.v). Các mainnet có thể được thay đổi bất cứ khi nào đội ngũ dự án hay cộng đồng quyết định cập nhật hay sửa đổi.
Các dự án có mainnet luôn được cho là “trưởng thành” hơn bởi nó đem lại cho người dùng niềm tin rằng dự án đã bỏ rất nhiều công sức và nguồn lực vào blockchain do mainnet phải trải qua các quy trình đánh giá nghiêm ngặt trước khi được khởi chạy.
Tóm lại, các lập trình viên sẽ sử dụng testnet để chẩn đoán lỗi cũng như thử nghiệm tính năng mới trước khi tung chúng lên mainnet. Do vậy, điểm khác biệt chính giữa hai mạng nằm ở chỗ testnet cho thấy dự án vẫn đang được tiến hành, còn mainnet chỉ ra rằng mạng blockchain của dự án đã hoàn chỉnh.
3. Tầm quan trọng của Testnet và Mainnet
Đây được cho là hai khâu quan trọng nhất trong những giai đoạn cuối cùng của dự án blockchain.
Công nghệ blockchain vẫn cần thử nghiệm và phát triển toàn diện trước khi chính thức ra mắt và đây chính là thời điểm hoàn hảo để testnet xuất hiện. Ví dụ, một trong những vấn đề gây đau đầu nhất hiện nay là khả năng mở rộng, tuy nhiên, bằng việc sử dụng testnet, các nhà phát triển có thể tiếp tục nghiên cứu và xây dựng để tăng tốc độ xử lý giao dịch của blockchain. Ngoài ra, do testnet là một môi trường khép kín nên dev có thể tùy ý sửa lỗi mà không sợ gây tổn hại đến các chuỗi chính. Đặc biêt, các thử nghiệm trên testnet đều hoàn toàn miễn phí.
Bắt đầu từ khoảng nửa cuối năm 2020 trở lại đây, testnet còn đóng một vai trò thú vị khác, đó là giúp dự án tìm ra được người dùng thật sự quan tâm đến sản phẩm. Bên phía nhà phát triển sau đó sẽ airdrop, gửi cho họ phần thưởng (thường là token dự án) khi tìm ra bug hoặc gửi về những phản hồi có giá trị.
Sau khi các lỗi quan trọng được sửa, đó chính là lúc mainnet ra đời, đồng nghĩa với việc dự án chính thức đưa ra cho cộng đồng sử dụng.
Mainnet được coi là yếu tố then chốt bởi việc ra mắt mạng chính chứng tỏ rằng dự án đã bám sát whitepaper, đồng thời đi theo đúng roadmap đã đề ra, từ đó giúp token tăng giá. Tuy nhiên, việc ra mắt này mới chỉ là bước khởi đầu, để tiếp tục thúc đẩy giá trị, dự án phải liên tục nâng cấp với nhiều tính năng vượt trội hơn.
4. Các bước làm Testnet
Có ba bước cơ bản để làm testnet:
Bước 1: Chuẩn bị ví và nhận faucet testnet
Anh em cần nhập địa chỉ ví (Metamask, Coinbase, Nami, v,v tùy vào yêu cầu của từng dự án) để kết nối với testnet và nhận token độc quyền (không có giá trị thực) thông qua faucet testnet. Faucet testnet sẽ cho phép anh em tha hồ thử nghiệm DeFi cùng nhiều tính năng khác hoàn toàn miễn phí.
Bảng phân bổ ADA và các loại token khác của SundaeSwap Testnet
Bước 2: Trải nghiệm tính năng của sản phẩm
Tùy thuộc vào tính chất và lĩnh vực của từng dự án mà anh em sẽ được trải nghiệm các công cụ khác nhau như:
- AMM (ví dụ: Uniswap, SundaeSwap): anh em có thể swap token, thêm thanh khoản, v.v, trên testnet.
- Lending (ví dụ: Aave): anh em có thể gửi tiền vào vay thử, hoặc trở thành người cho vay trên testnet.
Bước 3: Phản hồi ý kiến
Nhiệm vụ chung của tất cả dự án dành cho người dùng gồm có: phản hồi trải nghiệm trong quá trình sử dụng, các lỗi gặp phải hoặc góp ý xây dựng thêm tính năng cho đội ngũ phát triển. Tuy nhiên, anh em cần lưu ý rằng không phải cứ tham gia testnet là sẽ có thưởng, dự án sẽ thông báo nếu có kế hoạch airdrop trên trang chính thức, anh em hãy theo dõi và đừng kỳ vọng quá.
5. Lợi ích khi tham gia Testnet
- Anh em có thể tùy ý thử nghiệm các tính năng mới và làm quen với sản phẩm mà không sợ bấm nhầm các chức năng làm ảnh hưởng đến ngân quỹ.
- Anh em tham gia testnet nếu làm tốt và đóng góp được nhiều cho dự án, có khả năng dự án sẽ thưởng (Airdrop) cho token khi chính thức phát hành.
- Anh em sẽ có thêm kiến thức về dự án sau khi tham gia.
6. Tầm quan trọng của Testnet và Mainnet tới các dự án ICO
Nguồn: One37pm
Nhiều người sau khi mua token của dự án nhưng vẫn không biết theo dõi tiến triển ở đâu để đưa ra quyết định liệu có nên hold lâu dài hay không. Và tại đây, testnet và mainnet chính là hai quân át chủ bài đối với một dự án ICO, nó sẽ thấy liệu dự án này có thực sự khả thi và có thể thành công trong tương lai hay không.
Khi bắt đầu tìm hiểu về một dự án ICO, điều đầu tiên cần xem xét là whitepaper của dự án. Trong đó, anh em cần đọc kỹ roadmap xem thời gian chạy testnet, cũng như thời điểm tung mainnet.
Nếu dự án thử nghiệm testnet thành công rồi phát hành mainnet thì giá của đồng coin này dĩ nhiên sẽ tăng trưởng mạnh mẽ. Đặc biệt, anh em cần phải có niềm tin vào đội ngũ phát triển để dự đoán tiềm năng của đồng coin và đưa ra quyết định đúng đắn nhất. Nhưng nếu testnet thất bại, anh em cần xem xét lại nên hold đồng coin này nữa hay không. Anh em có thể kiên nhẫn chờ thêm một thời gian để đội ngũ phát triển chạy lại testnet một lần nữa. Nhưng nếu dự án tiếp tục thất bại, thì anh em đã có câu trả lời của mình rồi đấy. Chính vì vậy, bước quan trọng nhất trước khi tham gia đầu tư vào một dự án ICO là tìm hiểu thật kỹ dự án thông qua đội ngũ phát triển, bên cạnh nhiều tiêu chí khác như dự án cần bao nhiêu vốn, chiến dịch này sẽ kéo dài trong bao lâu, v,v. Tuy nhiên, không thể phủ nhận, ICO hiện được xem là “mỏ vàng" đối với các nhà đầu tư trên thị trường hiện nay.
7. Việc ra mắt Mainnet có ảnh hưởng như thế nào đến giá trị Coin?
Trước khi mainnet ra mắt, một số dự án tiền điện tử sẽ chạy trên nền tảng blockchain sẵn có nào đó. Ví dụ như Tron (TRX) được xây dựng từ blockchain Ethereum và được coi là token ERC-20 tiêu chuẩn. Đội ngũ đã xây dựng blockchain của riêng mình và khởi chạy mainnet, khi đó, tất cả các token sẽ được chuyển đổi sang blockchain riêng của Tron. Về bản chất, quá trình này không hề làm tăng giá coin, nhưng nó lại tạo ra tin đồn khiến mọi người hào hứng và bắt đầu FOMO. Tin tức + FOMO = giá coin lên.
Nói chung, việc mainnet có thực sự ảnh hưởng đến giá token hay không thì không ai dám đảm bảo 100% cả.
8. Kết luận
Tóm gọn lại, tất cả các dự án blockchain cốt lõi cần được đánh giá dựa trên hiệu suất của mainnet. Ngay cả khi chạy mainnet thành công thì 30 vẫn chưa phải là Tết. Do đó, anh em cần phải hiểu rõ lộ trình phát triển của dự án và so sánh với thực tế những gì nó đã đạt được.
Qua bài viết này, hy vọng anh em sẽ có cái nhìn toàn diện hơn về testnet và mainnet, những ảnh hưởng của nó trên nhiều khía cạnh, từ đó có thể đưa ra những quyết định đầu tư đúng đắn và phù hợp nhất cho bản thân mình nhé.
Tổng hợp từ Fiahub, Altcoinbuzz