Khi Trung Quốc cấm khai thác bitcoin từ tháng 5 năm ngoái, họ đã trao cho Mỹ "món quà nghìn tỷ đô la", đó là lời của một giám đốc điều hành công ty khai thác đã nói. Nhưng điều quan trọng nhất, có lẽ là việc các công ty khai thác tiền điện tử, đặc biệt là các công ty niêm yết ở Mỹ, Canada và các khu vực của châu Âu, đang chủ trì một làn sóng thay đổi theo hướng xanh hơn và với những cách sáng tạo hơn để sử dụng năng lượng cho việc khai thác tiền điện tử.
Cùng với sự kết hợp của các loại năng lượng tái tạo, nhiều công ty khai thác tiền điện tử đang trở nên thành thạo hơn trong việc cân bằng nhu cầu tải tại các lưới điện, trong khi những tập đoàn năng lượng khổng lồ như Exxon hiện đang khám phá các mô hình mới, như thử nghiệm việc sử dụng lượng khí đốt lãng phí từ các giếng dầu ở Bắc Dakota để cung cấp năng lượng cho các hoạt động khai thác bitcoin.
Mặc dù sự chuyển đổi này đang diễn ra nhanh chóng, nhưng nó không thể đủ nhanh để thay đổi hình ảnh của ngành công nghiệp khai thác Bitcoin, vốn bị coi là "bẩn thỉu" trong tâm trí của các nhà lập pháp và công chúng.
Áp lực về môi trường, xã hội và quản trị đối với việc sử dụng năng lượng của hoạt động khai thác tiền điện tử đang gia tăng, cả từ chính quyền của Tổng thống Mỹ lẫn Liên minh châu Âu, với việc cân nhắc gần đây về lệnh cấm khai thác bằng chứng công việc (PoW). Mối quan tâm này cũng đã xuất hiện dưới dạng các quy tắc được đề xuất, cho phép Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch Hoa Kỳ có cái nhìn sâu sắc về dấu chân carbon của các công ty niêm yết.
Một mỏ của Bitfury ở Mo i Rana, Na Uy. Khu khai thác này được cung cấp 90% năng lượng bằng thủy điện và sử dụng nhân công là 5 người dân địa phương.
Giá trị mới của bitcoin
Và trên thực tế câu chuyện "khai thác bitcoin xanh hơn" đã có từ một thập kỷ trước, khi Bắc Mỹ mới chỉ là một phần nhỏ trên bản đồ khai thác bitcoin toàn cầu.
Đối với những người đứng đầu trong lĩnh vực tiền điện tử, việc cải thiện năng lượng bền vững chỉ đơn giản là xác định vị trí hoạt động khai thác ở những nơi cung cấp dư thừa năng lượng tái tạo. Đó có thể là những vùng của Canada, nơi có rất nhiều thủy điện hay gần đây là những nơi như Texas với rất nhiều gió và mặt trời.
Ở những nơi như vậy, việc sản xuất năng lượng tái tạo đôi khi bị hạn chế vì có quá nhiều vấn đề gây tắc nghẽn trên các đường dây truyền năng lượng từ đó đến các trung tâm đô thị. Vì vậy, cần có các bộ phận chịu tải cục bộ như dàn khai thác bitcoin, những thứ sẽ hoạt động như một loại van an toàn khi nguồn điện bị mắc kẹt mà nếu không sử dụng sẽ trở nên lãng phí.
"Khi bạn ở gần nguồn năng lượng tái tạo, bạn có khả năng tiếp cận chúng tốt hơn. Đó chỉ là một thực tế", Peter Wall, CEO của Argo Blockchain (ARBK), công ty khai thác tiền điện tử dựa trên thủy điện, được thành lập ban đầu ở Quebec (Canada) và hiện kinh doanh ở Texas, cho biết.
Tất nhiên, để được cung cấp năng lượng tái tạo, Argo cũng sẽ phải tắt hệ thống vào những lúc mạng lưới đòi hỏi nhiều điện năng để phục vụ cộng đồng, ví dụ như để sưởi ấm các ngôi nhà vào mùa đông hoặc làm mát chúng vào mùa hè.
"Nếu bạn chọn tham gia để trở thành nhà cung cấp phụ tải linh hoạt, tức là, được yêu cầu ngừng hoạt động, thì lưới điện Texas sẽ giảm giá điện cho bạn và sẽ trả lại cho bạn phần thiếu đó như một nhà máy điện ảo", Wall chia sẻ. Và theo ông, điều này có lợi về mặt kinh tế đối với lưới điện vì nó giữ cho chi phí điện năng thấp hơn cho tất cả mọi người.
Cơ sở khai thác của Core Scientific ở thành phố Calvert, Kentucky, Mỹ.
Core Scientific (CORZ), một gã khổng lồ khai thác tiền điện tử khác của Mỹ, đã đưa ra các báo cáo hàng tháng nêu chi tiết về lượng năng lượng được trao lại cho lưới điện trong những thời điểm cần thiết.
"Chúng tôi có các thỏa thuận với các cộng đồng. Khi lưới điện cần, chúng tôi sẽ cắt điện", CEO Mike Levitt của Core Scientific nói trong một cuộc phỏng vấn. "Nếu chúng tôi nhận được cuộc gọi từ một trong những công ty tiện ích công cộng ở khu vực địa lý nơi chúng tôi hoạt động, rằng họ cần 30 megawatt từ hai đến năm giờ hôm nay, chúng tôi sẽ đặt hệ thống ở chế độ nghỉ và đó chỉ đơn giản là một lần nhấn phím vì chúng tôi có một phần mềm quản lý hơn 160.000 giàn khai thác."
Tháng trước, Core đã tắt nguồn ở hai tình huống khác nhau, tiết kiệm tổng cộng 4.400 megawatt-giờ.
"Ngành công nghiệp của chúng tôi thực sự có thể giải phóng việc sử dụng năng lượng vào lưới điện một cách hợp pháp, hiệu quả và duy nhất. Gần như thể chúng tôi đang hoạt động như một cục pin", Levitt nói. Ông cho biết thêm, có một điều thường không được công nhận là các công ty điện thường phải dựa vào các nhà máy điện cũ, bẩn và đắt đỏ trong thời điểm nhu cầu cao. Nhưng điều đó giờ không cần thiết nữa.
Tất nhiên, có một hiểu biết ngầm rằng khi Trung Quốc kiểm soát phần lớn thị phần khai thác bitcoin toàn cầu, những thỏa thuận minh bạch như vậy đơn giản là không tồn tại. Bởi nó cần các công ty có trách nhiệm giải trình công việc của mình một cách công khai. Nhưng lệnh cấm bitcoin của Trung Quốc đã thay đổi mọi thứ.
"Lệnh cấm của Trung Quốc dẫn đến việc hạ tầng khai thác xuống cấp là món quà trị giá hàng nghìn tỷ đô la cho Mỹ", Đồng sáng lập Core Scientific, Darin Feinstein, cho biết. "Tôi chắc chắn rằng người dân Trung Quốc sẽ đặt câu hỏi về sự khôn ngoan của việc cấm một trong những đổi mới lớn nhất trong lịch sử ngành tài chính, kinh tế và kế toán".
Bên trong một mỏ khai thác bitcoin.
Điều gì sắp tới?
Công ty khai thác Marathon (MARA) cũng lặp lại quan điểm của Core Scientific đối với Trung Quốc và chỉ ra sự thay đổi nhanh chóng trong việc sử dụng năng lượng tái tạo để khai thác bitcoin trong năm vừa qua.
"Một trong những lý do mà rất nhiều ngành công nghiệp khai thác chuyển sang Bắc Mỹ khi Trung Quốc cấm khai thác bitcoin là do mọi người đã thức tỉnh với một thực tế rằng có rất nhiều năng lượng dư thừa ở Mỹ", Charlie Schumacher, Phó Chủ tịch Truyền thông Doanh nghiệp của Marathon cho biết.
Theo Hội đồng khai thác Bitcoin, hoạt động khai thác bitcoin đã tăng từ 37% được cung cấp từ năng lượng bền vững lên 59%. Hội đồng khai thác Bitcoin là một tổ chức ngành bao gồm các công ty khai thác bitcoin lớn như MicroStrategy (MSTR). Và như Schumacher đã chỉ ra, điều này không bao gồm bất kỳ sự bù đắp carbon nào.
Schumacher nói: "Tôi không biết có ngành công nghiệp nào khác đang cải thiện sức mạnh của nó một cách nhanh chóng như vậy".
Ông Schumacher nói trong tương lai, bitcoin cũng có thể đóng một vai trò quan trọng trong quá trình chuyển đổi lưới năng lượng để trở nên phi tập trung hơn. Bởi vì các dự án năng lượng tái tạo dựa vào cộng đồng có thể sử dụng hoạt động khai thác bitcoin để trở nên hiệu quả hơn về mặt kinh tế, với khả năng lưu trữ.
Một xu hướng thú vị khác sẽ là các công ty điện trở thành những công ty khai thác bitcoin trong tương lai, điều đang được đề cập đến ngay bây giờ và rất có thể sẽ xảy ra thông qua các liên doanh, theo Schumacher.
"Các công ty điện sở hữu chi phí đầu vào lớn nhất, và điện cũng chiếm 70% chi phí đầu vào cho việc khai thác bitcoin", ông cho biết. "Nếu bán lượng điện dư thừa cho một công ty khai thác bitcoin, mức phí thường vào khoảng 3 cent cho mỗi kilowatt-giờ. Nhưng nếu các công ty điện lực sở hữu 100% việc khai thác bitcoin, thì theo giá ngày nay, con số sẽ thu về ở mức 35-40 cent cho mỗi kilowatt-giờ".
Một nguồn tin giấu tên cho biết một số công ty điện lực đã tham gia đầu cơ theo hướng này vào năm 2017 khi giá bitcoin tăng đột biến, nhưng hầu hết đều nhận thấy rằng các yêu cầu về cơ sở hạ tầng khiến mọi việc quá khó để tiến hành. Tuy nhiên, việc liên doanh trong tương lai sẽ khiến các dự án như thế này trở nên dễ dàng hơn.
Theo Cafebiz