Công nghệ blockchain đang bùng nổ mạnh mẽ với sản phẩm nổi bật nhất là tiền điện tử. Nhờ tiềm năng vốn có, tiền điện tử đã nhận được sự quan tâm lớn của giới công nghệ và nhà đầu tư. Song, có người ủng hộ thì cũng có người chỉ trích.
Theo các chuyên gia tại trung tâm Dịch vụ Mạng lưới Blockchain (BSN) của Trung Quốc, tiền điện tử và các mô hình kinh doanh liên quan tới Web3 đều là lừa đảo. Nhận định được đưa ra vào cuối tháng 6, sau khi thị trường tiền điện tử sụt giảm nghiêm trọng.. Shan Zhiguang và He Yifan, hai chuyên gia của BSN, gọi tiền điện tử là "vụ lừa đảo theo mô hình Ponzi lớn nhất lịch sử loài người", được dựng lên bởi những cộng đồng "tìm mọi cách để trò gian lận tiếp diễn", trang SCMP trích dẫn.
Điều này có thực sự chính xác? Theo định nghĩa, mô hình Ponzi là một dạng lừa đảo tín dụng huy động vốn theo hình thức đa cấp, lấy tiền huy động của người góp vốn sau để trả lãi cho người góp vốn trước đó.
Ảnh: BlockchainStock
Quả thực không thiếu những chiêu trò đa cấp núp bóng dự án tiền điện tử, tô vẽ và hứa hẹn giàu nhanh mà không cần lao động. Nhà đầu tư thiếu tỉnh táo và kinh nghiệm dễ dàng sa chân vào những dự án này để rồi cay đắng nhận về cái giá rất “ảo”.
Nhiều tuần trước, sự sụp đổ của Terra đã gây chấn động trên thị trường tiền điện tử. Lou Kerner, đối tác của công ty đầu tư mạo hiểm Blockchain Coinvestors, nhận định rằng sự sụp đổ này là do chiến lược Ponzi của Terra. Dù có phải là Ponzi hay không, sự thất bại của Terra đã khiến vô số nhà đầu tư toàn cầu “ngã quỵ”, kể cả những người sành sỏi nhất.
“Tôi đoán là đa số họ không hiểu đang đầu tư vào cái gì. Có những người dù đã hiểu nhưng họ cho rằng sẽ có đủ thời gian để thoát ra trước khi ‘nhạc’ dừng phát”, Kerner cho hay.
Theo ông, điều quan trọng nhất đối với bất kỳ dự án tiền điện tử nào là cộng đồng của nó và số lượng nhà đầu tư bỏ tiền vào LUNA khá lớn. Song, đó là một cộng đồng của những người muốn kiếm tiền và những họ sẽ luôn giải tán khi không còn tiền.
Ngoài ra, có ý kiến cho rằng giá trị của tiền điện tử chỉ dựa trên niềm tin sẽ có người mua chúng với giá cao hơn, chứ chưa tạo ra lợi ích thực sự cho xã hội. Phát biểu tại sự kiện do TechCrunch tổ chức, tỷ phú Bill Gate cho biết ông thích đầu tư vào các sản phẩm hữu hình hơn là tiền điện tử. Ông cho rằng thị trường tiền điện tử hoạt động dựa trên lý thuyết “kẻ ngốc hơn” (The Greater Fool), nghĩa là người này kiếm tiền bằng cách định giá tài sản cao hơn thực tế để kiếm lời.
Người ta cho rằng tiền điện tử là trò chơi đa cấp vì giá trị đồng tiền phụ thuộc vào số lượng nhà đầu tư mới vào thị trường và việc họ mua lại tiền của người đi trước. Ở mức độ nào đó, nhận định này là đúng.
Lấy ví dụ về đồng tiền điện tử lớn nhất, Bitcoin. Bitcoin tiếp tục phát triển hiệu ứng mạng của nó, tiếp cận nhiều người hơn và dòng tiền lớn hơn, từ đó tăng tính hữu dụng và giá trị của nó.
Bitcoin sẽ chỉ thành công về lâu dài nếu vốn hóa thị trường của nó duy trì ở mức cao. Nếu vì một lý do nào đó, nhu cầu Bitcoin giảm và không đạt đến mức đủ cao, Bitcoin sẽ giảm giá và hiệu ứng mạng của nó suy yếu theo thời gian. Điều này khơi mào một vòng luẩn quẩn, các nhà khai thác không còn động lực đào coin, khiến bảo mật và giá Bitcoin đi xuống hơn nữa.
Tuy nhiên, điều này không làm cho Bitcoin trở thành một mô hình Ponzi. Nếu áp dụng logic tương tự, vàng có lẽ cũng gần như là công cụ của một trò Ponzi hơn 5.000 năm tuổi. Ngoài ứng dụng trong công nghiệp, vàng chủ yếu được dùng để lưu trữ giá trị, làm đẹp và thể hiện sự giàu có.
Giả sử nếu thị hiếu trang sức của mọi người thay đổi và họ không còn coi vàng là vật lưu trữ giá trị tối ưu, hiệu ứng của nó sẽ giảm đi. Để vàng giữ được giá cao, đòi hỏi nhận thức liên tục rằng kim loại này là phương tiện hấp dẫn để tích trữ và thể hiện sự giàu có, nhưng điều này có phần chủ quan. Nếu chỉ tính nhu cầu dành cho công nghiệp, sẽ có nhiều vàng dư thừa, khiến giá trị của nó thấp hơn nhiều. Bitcoin nói riêng hay nhiều tiền điện tử khác cũng vậy, đều cần số lượng lớn những người tin vào giá trị của chúng để duy trì sức mua.
Trong khi đó, các altcoin thường được coi là loại tiền điện tử rủi ro hơn, mới và không có kế hoạch bài bản hoặc sản phẩm. Tuy nhiên, không phải mọi altcoin đều vô dụng, không có giá trị nội tại. Các dự án như Ethereum có mạng lưới blockchain của riêng họ. Trên thực tế, Ethereum đã tiến xa đến mức cách mạng hóa thị trường tiền điện tử bằng việc giới thiệu các hợp đồng thông minh và các ứng dụng phi tập trung.
Tiền điện tử vẫn đang trong giai đoạn phát triển sơ khởi, vẫn còn nhiều sự nhập nhằng và thiếu quy định để kiểm soát. Bất kỳ công nghệ mới nào cũng cần đánh giá, bị từ chối hoặc đón nhận và thời gian chính là phép thử tốt nhất. Thị trường ban đầu có thể biến động mạnh, nhiều điểm bất hợp lý, nhưng theo thời gian, nó sẽ có những điều chỉnh để tiếp tục phát triển và đem lại giá trị thực sự.
Xem thêm video:
Coinx3 tổng hợp