Tiếp bước PayPal, Solana Pay được nhiều người coi là sự đổi mới trong lĩnh vực thanh toán, đồng thời đặt NFT và Web3 làm trọng tâm. Một số còn ví nó như Visa hoặc PayPal của Web3. Hãy cùng tìm hiểu về giao thức thanh toán này trong bài viết dưới đây nhé.
Solana là gì?
Trước khi đi sâu vào Solana Pay, cùng điểm qua một thông tin về mạng Solana. Solana được thành lập vào năm 2017 bởi kỹ sư Anatoly Yakovenko.
Yakovenko tin rằng dù các blockchain hoạt động hiệu quả, chúng có thể chưa tối ưu về mặt thời gian. Thay vì mọi block dựa vào đồng hồ chuẩn hóa, chúng lại chạy theo giờ địa phương của node liên quan. Điều này khiến tất cả các node phải làm thêm bước xác thực thời gian. Càng nhiều yếu tố phải xác thực thì thời gian giao dịch càng chậm.
Trên Solana, tất cả các node chạy theo một đồng hồ vì thế có thể loại bỏ một yếu tố xác thực và tăng tốc. Yakovenko gọi cơ chế đồng thuận này là Proof of History (PoH) - một bản sửa đổi của Proof-of-Stake (PoS). Quá trình xác nhận của PoH hoạt động tương như PoS, giúp Solana có khả năng xử lý trung bình 65 nghìn giao dịch mỗi giây (TPS) với mức phí cực thấp.
Solana cũng là một nền tảng tài chính phi tập trung (DeFi) cạnh tranh với Ethereum. Cả hai đều cung cấp nhiều DApp tài chính phi tập trung. Trong khi Ethereum có ETH, token Solana là SOL. SOL dùng để giao dịch trong mạng Solana, cho các mục đích quản trị và kiểm tra.
Do PoH của Solana cho phép xử lý hàng chục nghìn giao dịch với chi phí thấp, Solana Labs phát triển Solana Pay để mọi người có thể tiếp cận tính năng nổi bật này.
Quá trình hình thành Solana Pay
Trong khi Solana Labs là một phần quan trọng của quá trình phát triển Solana Pay, các công ty khác cũng tham gia. Checkout.com, Citcon, Phantom, FTX và Slope đều đóng góp một phần trong việc thiết lập nền tảng cho Solana Pay.
Theo một nghiên cứu của Visa, “73% doanh nghiệp tin rằng áp dụng thanh toán kỹ thuật số là yếu tố cơ bản để tăng trưởng vào năm 2022”. 59% doanh nghiệp “đang hoặc sẽ chỉ sử dụng thanh toán kỹ thuật số trong vòng hai năm tới”. Những số liệu thống kê này là một phần nền móng cho Solana Pay, vì Solana Labs, Circle và các đối tác khác muốn nhanh chóng mang sản phẩm đến nhóm người dùng này.
Solana Pay hoạt động như thế nào?
Ra mắt vào tháng 2, nền tảng thanh toán Solana Pay hỗ trợ giao dịch miễn phí, tức thì, thân thiện với môi trường do khai thác sức mạnh của blockchain Solana. Mạng có thể xử lý 65.000 TPS và cung cấp bộ công cụ phát triển phần mềm để các doanh nghiệp tích hợp sản phẩm.
Các nhà phát triển xây dựng DApp trên Solana có thể tích hợp Solana Pay để dễ dàng giao dịch, giống như các nhà bán lẻ truyền thống nếu họ có ví Solana. Rất nhiều người so sánh Solana với PayPal. Solana có thể đạt thành tựu trong lĩnh vực tiền điện tử như những gì PayPal đã làm đối với thanh toán trực tuyến truyền thống.
Ảnh minh họa. Nguồn: Prorocol.com
Ưu điểm của Solana Pay
Bitcoin (BTC), ETH và các loại tiền điện tử khác đều cung cấp dịch vụ thanh toán tiền điện tử tức thì, nhưng các mạng này (đặc biệt là Ethereum) thường tốn kém và giao dịch chậm. Ví dụ, Bitcoin xử lý trung bình 7 giao dịch mỗi giây, trong khi Ethereum trung bình có 13 giao dịch mỗi giây. Cả Bitcoin và Ethereum đều có hại cho môi trường do sử dụng cơ chế proof-of-work. Trong khi đó, Solana nhanh và rẻ hơn, hấp dẫn các doanh nghiệp và khách hàng.
Solana Pay cho phép người dùng thanh toán theo thời gian thực bằng SOL hoặc bất kỳ token Solana nào được hỗ trợ, chẳng hạn như thanh toán theo thời gian thực bằng USD Coin (USDC) mà không liên quan đến bên thứ ba như ngân hàng hoặc bộ xử lý thanh toán. Hơn nữa, Solana Pay không yêu cầu chargeback, loại bỏ vấn đề tốn kém thường gặp phải.
Solana Pay là lựa chọn lý tưởng cho người bán khi cung cấp các báo cáo chi tiết về mọi giao dịch như điểm đến của ví, loại tiền tệ, số tiền giao dịch và mục để người bán mô tả các giao dịch, đồng thời đảm bảo riêng tư cho những thông tin này.
Người đứng đầu bộ phận thanh toán tại Solana Labs, Sheraz Shere cho biết đội ngũ Solana muốn thế giới nhìn nhận Solana Pay không chỉ là "giao thức thanh toán bằng tiền điện tử" mà còn là nền tảng "tập hợp tất cả những đồng điện tử on-chain và được sử dụng cho nhiều loại giao dịch".
Nhược điểm của Solana Pay
Bản thân Solana Pay cùng với Solana đang trong giai đoạn đầu phát triển và có rủi ro cao. Ví dụ, các doanh nghiệp dùng Solana Pay có nguy cơ mất tài sản do lỗi lập trình hoặc tấn công mạng. Có thể mất tài sản do các sai lầm cơ bản của người dùng, nếu doanh nghiệp không am hiểu về tiền điện tử.
Ngoài ra, dù Solana chiếm ưu thế về tốc độ, Ethereum vẫn là một nền tảng lớn hơn nhiều, có nhiều DApp và cơ sở người dùng lớn hơn Solana. Việc Ethereum chuyển sang Ethereum 2.0 cũng có thể khẳng định vị thế lớn hơn Solana.
Solana Pay dành cho thương nhân
Để sử dụng Solana Pay, người dùng phải tạo ví Solana, có thể tự lập hoặc thông qua sàn giao dịch FTX. Sau đó, họ phải cập nhật mã Solana Pay vào trang web của họ và mã hóa liên kết yêu cầu thanh toán tiền điện tử thành mã QR. Giờ đây, họ có thể thanh toán hàng hóa và dịch vụ trực tuyến và trực tiếp chỉ bằng cách quét mã QR trong ví được hỗ trợ SOL.
Solana Pay dành cho nhà phát triển
Ngoài những tính năng cơ bản mà Solana Pay cung cấp cho người dùng, cộng đồng Solana có thể đề xuất những thay đổi và ý tưởng mới trên Github.
Trong một bài đăng trên blog về Solana Pay, Shere lưu ý rằng giao thức có thể hỗ trợ các giao dịch thông qua NFT. Ví dụ, khi khách hàng mua một đôi giày, họ sẽ nhận được hai loại NFT. Một là đôi giày có thể sử dụng trong metaverse. NFT còn lại vừa là hóa đơn, vừa là thẻ gia nhập câu lạc bộ dành cho người sở hữu NFT, với những ưu đãi từ nhà bán lẻ.
Ví hỗ trợ Solana Pay
Solana Pay hiện được hỗ trợ bởi ba ví: Phantom, Crypto Please và FTX. Phantom là ví dành cho Solana, hỗ trợ việc mua, giữ, hoán đổi tiền điện tử và NFT. Crypto Please là ví cho phép người dùng gửi tiền điện tử qua Telegram, Whatsapp, v.v. FTX là sàn giao dịch hỗ trợ tất cả các loại tiền điện tử bao gồm cả SOL. Sắp tới sẽ có thêm nhiều ví hỗ trợ Solana Pay.
Theo CoinTelegraph