Phí gas cao là một trong những rào cản, vấn đề lớn nhất mà mạng lưới Ethereum phải đối mặt. Tuy nhiên, khi phí gas trung bình của Ethereum giảm xuống còn 0,0015 ETH, vấn đề này có lẽ sẽ có sự thay đổi.

Trong khoảng thời gian gần 2 năm, từ tháng 1/2021 đến tháng 5/2022, phí gas trung bình mà mạng Ethereum yêu cầu rơi vào khoảng 40 USD.  Mức phí cao nhất được ghi nhận vào ngày 1/5 là 196,638 USD. Hiện tại, phí giao dịch trung bình của Ethereum đã giảm xuống còn 0,0015 ETH, tương đương 1,57 USD, ngang bằng thời điểm tháng 12/2020.

Phí giao dịch trung bình trên mạng Ethereum Nguồn: Bitinfocharts.com

Tháng 1/2021, phí gas của Ethereum tăng vọt do sự quan tâm của cộng đồng đối với NFT, tài chính phi tập trung (DeFi) và một thị trường bò đầy hứa hẹn.

Ở thời điểm hiện tại, việc phí gas đột ngột giảm mạnh được cho là do doanh số bán ra của các NFT đã giảm xuống mức thấp nhất trong 1 năm trở lại đây. Tổng số giao dịch bán ra hàng ngày giảm xuống còn khoảng 19.000 với giá trị ước tính là 13,8 triệu USD.

Doanh số bán NFT hàng ngày trong khoảng thời gian từ tháng 6/2021 đến tháng 6/2022. Nguồn: NonFungible

Vào tháng 11/2021, khi nhiều nhà đầu tư đưa ra những than phiền về phí gas quá cao, nhà đồng sáng lập Ethereum - Vitalik Buterin đã công bố một đề xuất giảm chi phí để xoa dịu cộng đồng. Theo đó, Buterin đưa ra một giải pháp ngắn hạn, cắt giảm mạnh tay chi phí roll-up bằng cách đưa ra giới hạn dữ liệu trên mỗi khối, giảm chi phí khai thác ETH.

Bên cạnh đó, Ethereum cần phải khắc phục những lỗ hổng bảo mật để nâng cao trải nghiệm người dùng, đông thời hướng tới The Merge. Trong một động thái gần đây, nhà cung cấp thanh khoản Ethereum XCarnival đã thu hồi lại được 1.467 ETH sau khi bị đánh cắp 3.087 ETH, tương đương khoảng 3,8 triệu USD.

Nhà điều tra Blockchain Peckshield đã đưa ra những giải thích về bản chất của cuộc tấn công:

“Vụ tấn công có thể thực hiện được bằng cách cho phép NFT đã rút cam kết vẫn được sử dụng như một tài sản thế chấp. Điều đó đã trở thành cơ sở để các hacker tấn công và lấy đi tài sản.”

Theo Cointelegraph