Bản chất rủi ro của tiền điện tử
“Giấc ngủ cứ chập chờn và tôi sụt 4 kg chỉ trong vài ngày. Tôi như rơi vào trạng thái trầm cảm”. Đó là chia sẻ của Yuri Popovich, nhà đầu tư người Ukraine từng đổ số tiền tiết kiệm của gia đình để mua UST.
Thị trường tiền điện tử đang chứng kiến chuỗi ngày tồi tệ nhất. Giá Bitcoin trượt xuống dưới 20.000 USD, thậm chí còn “ghé thăm” mức 17.000 USD - mức thấp nhất kể từ năm 2020 đến nay. Nền tảng cho vay Celsius phải dừng việc rút tiền vì vấn đề thanh khoản. Những công ty lớn như Coinbase và BlockFi cũng phải sa thải hàng loạt nhân viên.
Những diễn biến này phản ánh tình trạng hỗn loạn trên thị trường nói chung, đồng thời là một lời cảnh báo rằng tiền điện tử hôm nay có thể đáng giá cả gia tài, nhưng lại vô giá trị vào ngày mai. Điều đáng tiếc với anh Popovich là Ukraine chưa có quy định hoàn trả lại những khoản lỗ như vậy.
Nỗi buồn chẳng của riêng ai. Mặc dù các công ty mà mọi người tìm đến để mua và lưu trữ tiền điện tử theo một số cách tương tự như ngân hàng, các nền tảng này thường không có bảo hiểm tiền gửi như ngân hàng. Nếu những công ty vận hành các nền tảng này thất bại, không có gì đảm bảo rằng khách hàng có thể khôi phục quỹ tiền của họ.
Ảnh: CNBC/Nurphoto
Điều này phản ánh thực tế là các cơ quan quản lý vẫn chưa hoàn toàn bắt kịp ngành công nghiệp tiền điện tử. Nó cũng như một lời nhắc nhở rằng dù các nền tảng có vẻ an toàn, với một số là các công ty giao dịch công khai, họ đang hoạt động trong một ngành hầu như không có quy tắc và bảo hiểm.
“Hầu hết mọi người mua tiền điện tử để đầu cơ, phải không? Họ coi nó như một tài sản có thể đầu tư”, Lee Reiners, giám đốc điều hành của Trung tâm Thị trường Tài chính Toàn cầu của Trường Luật Duke cho biết. “Nếu bạn mua cổ phiếu của Apple, thì cũng không có bảo hiểm nào cả. Khái niệm bảo hiểm không thực sự áp dụng cho bây giờ".
Bản chất rủi ro của tiền điện tử đã trở thành một chủ đề nóng khi một số công ty tiền điện tử có dấu hiệu khó khan. Coinbase, một trong những sàn giao dịch tiền điện tử lớn nhất thế giới, cho biết trong một báo cáo tài chính vào tháng 5 rằng người dùng về mặt lý thuyết có thể mất quyền truy cập vào quỹ tiền điện tử của họ nếu công ty phá sản.
“Ở thời điểm hiện tại, khách hàng rất khó xác định những nguy cơ có thể gặp phải nếu các sàn giao dịch phá sản. Họ cần chuẩn bị tâm lý rằng một khi những nền tảng này sập, họ sẽ lỗ nặng và chỉ nhận lại vài đồng bạc lẻ tiền bồi thường”, Dan Awrey, giáo sư luật tại Đại học Cornell, cho biết. Đó là chưa kể đến những rủi ro khác. Một số ví tiền điện tử có thể bị hack và tiền bị đánh cắp sẽ khó mà khôi phục được.
Năng lực bảo hiểm có hạn
Trong khi một số công ty bảo hiểm đang bắt đầu quan tâm đến tiền điện tử, một loạt các startup tập trung đặc biệt vào bảo hiểm tiền điện tử. Chúng bao gồm các công ty như InsurAce, chuyên bảo hiểm các tổn thất do hack tiền điện tử và Coincover, cung cấp bảo hiểm NFT cũng với một số sản phẩm tập trung vào tiền điện tử khác.
Một số nhà đầu tư tại Mỹ đã quyết định nộp đơn kiện khi thua lỗ vì tiền điện tử. Năm 2018, một người đàn ông bị cướp Bitcoin đã kiện lên tòa án bang Ohio. Sau đó, anh đã được hoàn trả đủ 16.000 USD số tiền đã mất của mình thông qua bảo hiểm nhà ở, do Bitcoin của anh được coi là tài sản hợp pháp.
Vào tháng 5, trạm biến áp của công ty đào Bitcoin Blockfusion đã phát nổ, ảnh hưởng đến hoạt động đào coin. Công ty này cho biết sẽ nộp đơn xin bồi thường thiệt hại. Gần đây hơn, Dan Thomson của InsurAce cho biết công ty đã trả hơn 11 triệu USD cho những người mua bảo hiểm cho stablecoin UST của họ.
Mặc dù bảo hiểm là phân khúc đang phát triển trong ngành công nghiệp tiền điện tử, phạm vi bảo hiểm vẫn còn mang tính chắp vá. Và ngay cả khi một nền tảng tiền điện tử mua bảo hiểm, không có gì đảm bảo rằng những cá nhân sở hữu tiền điện tử trên một nền tảng nào đó được bảo vệ đầy đủ.
Eyhab Aejaz, đồng sáng lập và CEO của Breach Insurance, một công ty bảo hiểm tiền điện tử, cho biết: “Nó thực sự, thực sự, thực sự nhỏ. Không có đủ năng lực bảo hiểm trên thị trường để bù đắp dù chỉ là một phần nhỏ trong tổng số thiệt hại trên thị trường.”
Ảnh: Investe
Điều này làm nổi bật một vấn đề lớn trong quản lý - không có sự đồng thuận về khái niệm tiền điện tử. Do đó, thật khó để có cách tiếp cận tốt nhằm đảm bảo giá trị của nó hoặc xác định xem liệu nó có nên được bảo vệ ngay từ đầu hay không.
Các cơ quan quản lý vẫn đang nghiên cứu khuôn khổ quy định cho tiền điện tử. SEC cho rằng một số sản phẩm tiền điện tử có thể được coi như chứng khoán. Tổng thống Joe Biden đã yêu cầu các cơ quan liên bang soạn thảo các quy tắc mới cho ngành này. Cũng có đề xuất rằng chính phủ mở rộng phạm vi bảo hiểm của FDIC đối với một số loại tiền điện tử nhất định như stablecoin, miễn là chúng được cung cấp bởi các tổ chức đủ điều kiện.
“Nếu tiền điện tử là một tài sản để đầu cơ, tôi nghĩ không nên áp dụng bảo hiểm tiền gửi và hỗ trợ của chính phủ cho những tài sản tiền điện tử đó,” Hilary Allen, giáo sư luật tại Đại học American nhận định. “Các nhà đầu tư cần hiểu những gì họ đang làm không phải là gửi tiền vào ngân hàng mà là một canh bạc".
Xem thêm video:
Theo Recode, Vox