3AC chắc chắn đã để lại một "vết nhơ" cho thị trường tiền điện tử khi nó cuốn sạch niềm tin của giới đầu tư, nhưng đồng thời giúp ta đúc rút được những bài học xương máu để vững bước hơn trong hành trình tương lai.
Tổng quan về quỹ Three Arrows Capital (3AC)
Nói một cách ngắn gọn 3AC là một quỹ có tầm ảnh hưởng lớn trong giới tài chính tiền điện tử. Trong đó, 3AC chuyên đầu tư vào các dự án crypto để thu về lợi nhuận. Tuy nhiên thì hoạt động kinh doanh của họ cũng không cố định nên đã có những khoản 3AC đầu tư nhờ nguồn tiền bên ngoài.
Danh mục đầu tư của 3AC phải nói là trải dài từ Nam ra Bắc, “rơi rớt” khắp mọi ngóc ngách từ các mảng phổ biến như DEX, Lending, NFT, Gaming, tới các dịch vụ vay vốn và quỹ nhỏ hơn, đơn cử là Multicoin Capital.
Với tiêu chí “Được ăn cả, ngã ra đê”, 3AC gắn liền với rất nhiều thương vụ thành công trên mặt trận tiền điện tử, phải kể đến các dự án nổi đình nổi đám như Aave, Near Protocol, Solana, Ethereum, Axie Infinity, v.v. Tóm lại, 3AC là một quỹ có máu mặt với mỗi hành động theo sau đều có ảnh hưởng đáng kể tới thị trường.
Tại sao 3AC sụp đổ
Tất nhiên để có thể kéo một gã khổng lồ xuống bùn không phải là chuyện một sớm một chiều mà nó là hệ quả của một loạt sự kiện tiêu cực nối đuôi nhau.
Yếu tố khách quan
Khủng hoảng tài chính toàn cầu
- Chiến sự giữa Nga - Ukraine vẫn chưa thấy dấu hiệu kết thúc. Bên cạnh đó, EU liên tục áp lệnh trừng phát vào mảng xăng dầu ở Nga khiến chuỗi cung ứng gặp khó khăn.
- Lạm phát tăng đột biến buộc Fed phải tăng điểm lãi suất
- Căng thẳng Mỹ - Trung leo thang
Andrey, một nhà lập trình sống ở Nga, cho biết rằng kể từ khi căng thẳng chính trị nổ ra, anh đã bán tháo gần như toàn bộ tài sản điện tử để dồn vào tích trữ vàng và ngoại tệ.
Có thể nói với tình hình hiện tại, các nhà đầu tư thường có xu hướng rời bỏ thị trường để tìm đến các loại tài sản trú ẩn an toàn hơn. Tất cả những yếu tố trên là chất xúc tác khiến một sân chơi vốn dĩ đã bất ổn nay lại trở nên mong manh hơn bao giờ hết.
Sự bất ổn của các dự án DeFi
Ảnh ShutterStock
Có thể khẳng định, sự kiện Terra sụp đổ, UST mất chốt đã để lại bóng ma tâm lý trong lòng các nhà đầu tư. Nhiều người nhận ra ra rằng coin top - coin rác cũng chỉ là để phân biệt về mặt lý thuyết mà thôi. Quay ngược trở lại vài tháng trước, đâu ai nghĩ rằng một đồng có vốn hóa thị trường lên tới vài chục tỷ USD với một lộ trình phát triển rõ ràng, vững chắc như thế lại lật mặt trở thành “cú lừa thế kỷ” như hiện tại?
Anh Hưng (Hà Nội) đã nhanh chóng trở thành nạn nhân của nền tảng này khi trót trao trọn niềm tin rằng đây chỉ là một sự cố và rằng mọi chuyện sẽ sớm ổn định lại. Anh quyết định “bắt đáy” khi thấy LUNA chạm mốc 61 USD với hy vọng nó sẽ bật tăng trở lại. Kết quả là LUNA dựng cột và rơi thẳng xuống ngưỡng 1 USD khiến anh Hưng mất trắng 50.000 USD.
Chưa hồi lại sau cú sốc Terra, cộng đồng lại tiếp tục phải đối mặt với quả bom Celsius khi nền tảng này đưa ra một quyết định “đi vào lòng đất” là cho dừng lại toàn bộ việc nạp rút tài sản. Nguyên nhân sâu xa cũng chỉ xoanh quanh vấn đề lãi suất quá lớn và không đủ thanh khoản khi người dùng đồng loạt thanh lý tài sản để đổi sang ETH. Giờ đây, hàng triệu người dùng đã bị đóng băng tài sản, vô vọng chờ đợi ngày nền tảng trở lại hoạt động bình thường.
Trên các hội nhóm mạng xã hội, chủ đề này đang được cộng đồng tham gia sôi nổi hơn bao giờ hết. Người dùng tên Ngân cho hay chị đã bỏ hết tiền tích kiệm, gửi tiền vào Celsius để lấy lãi. Thấy mô hình này sinh lời cao nên chị quyết định "all-in”, nào ai ngờ bỗng một ngày đẹp trời nền tảng đưa ra thông báo trên khiến chị không kịp trở tay, sống trong hoang mang không biết rằng liệu số tiền đầu tư còn có thể lấy lại được không khi mà ở thời điểm hiện tại, vẫn chưa có quy định pháp lý nào có thể bảo vệ được những nhà đầu tư nhỏ như chị.
Yếu tố chủ quan
Cú sốc lại ấp đến khi cộng đồng hay tin “tượng đài” trong giới đầu cơ - 3AC - vỡ nợ với Terra, khiến quỹ mất toi 600 triệu USD. Điều này buộc phía 3AC phải đi vay nợ từ các dịch vụ cho vay (BlockFi, Aave, Celsius) và sử dụng đòn bẩy lớn để bù vào khoản lỗ. Cuối cùng, việc 3AC không đủ tiền để tăng thế chấp đã dẫn đến nguy cơ lượng tài sản đó có thể bị thanh lý bởi các đối tác cho vay.
Bên cạnh đó, Danny - trưởng phòng giao dịch của 8Block Capital - đã tận mặt lên tiếng “bóc phốt” 3AC khi quỹ đã làm trái với thỏa thuận ban đầu và tự ý lấy 1 triệu USD của bên này mà không hề thông báo một câu.
1) What happened between 3AC and us and what we know so far:@zhusu @KyleLDavies
— Danny (@Danny8BC) June 16, 2022
Anh nhắn nhủ rằng việc quỹ 3AC thua lỗ là do chính họ đã sai trong việc đầu tư. Tuy nhiên, không vì thế mà 1 quỹ danh tiếng như 3AC lại cư xử thiếu chuyên nghiệp, vô trách nhiệm và vạ lây các bên khác như hiện tại.
Hậu quả, 3AC đã bị hàng loạt đối tác “nghỉ chơi” và cho thanh lý toàn bộ các khoản vay ký quỹ.
Bài học rút ra cho các nhà đầu tư
Không có gì là chắc chắn
Đa số các quỹ đang hoạt động trên thị trường đều sở hữu cho mình đội ngũ nhân sự chuyên nghiệp và tiềm lực tài chính dồi dào, tuy nhiên thì bên cạnh những khoản đầu tư sinh lời cũng không thể tránh được những đợt thua lỗ. Người dùng chỉ nên lấy danh mục đầu tư của họ để tham khảo, đồng thời theo dõi sát sao để có cái nhìn toàn diện hơn về mục tiêu cũng như cách thức đầu tư, từ đó tích lũy kinh nghiệm để tự mình đưa ra lựa chọn đúng đắn nhất.
Quản lý rủi ro
Có thể nói 3AC không thực sự giỏi trong việc quản lý rủi ro khi liên tục sử dụng đòn bẩy quá cao nhưng lại không có nguồn tài sản đảm bảo để bảo vệ cho quyền lợi của người dùng. Bên cạnh đó là quyết định vay nợ khắp nơi, đến khi bị call margin (lệnh gọi ký quỹ) thì lại chọn cách ngó lơ và “hồn nhiên” lấy tiền của đối tác để trả nợ.
Sự vụ lần này càng khẳng định rằng nền kinh tế nếu dựa vào việc vay mượn quá nhiều sẽ tạo ra bong bóng, nó sẽ sẵn sàng nổ bất cứ lúc nào khi thị trường giảm mạnh, từ đó cuốn sạch tài sản của giới đầu tư cũng như nhấn chìm thị trường tiền điện tử.
Xem thêm Video:
Huyền Trang - Coinx3