Lagarde phát biểu trong một sự kiện ảo vào thứ ba (22/3) rằng: “Số lượng đồng ruble được chuyển đổi sang tiền điện tử đang ở mức cao nhất kể từ năm 2021”.
Bà cho rằng tiền điện tử chắc chắn đang được sử dụng như một công cụ để “hóa giải” các lệnh trừng phạt tại Nga. Trong đó, các biện pháp trừng phạt được Hoa Kỳ và Liên minh châu Âu đưa ra nhằm hạn chế việc kinh doanh bằng đô la và các loại ngoại tệ khác của Nga, gồm các hình phạt đối với các ngân hàng lớn và hạn chế đối với giới tinh hoa ở nước này. Từ đó dẫn đến suy đoán rằng tiền điện tử, vốn được tuyên truyền là giải pháp thay thế cho các hệ thống tài chính truyền thống, hiện đóng vai trò như một công cụ mà những người có thế lực tại Nga sử dụng để lách các lệnh trừng phạt.
Theo Jonathan Levin, đồng sáng lập công ty phân tích blockchain Chainalysis, cho đến tuần trước, không có bằng chứng nào về việc Nga hoặc Tổng thống Vladimir Putin sử dụng tiền điện tử để trốn tránh lệnh trừng phạt cả.
Ông và một số chuyên gia trong ngành đã nói với Ủy ban Thượng viện Hoa Kỳ về Ngân hàng rằng thị trường tiền điện tử quá nhỏ để tạo điều kiện cho người Nga trốn tránh các lệnh trừng phạt ở quy mô lớn.
Theo công ty dữ liệu Kaiko, kể từ ngày 22/3, khối lượng giao dịch của cặp BTC/RUB và stablecoin USDT là dưới 9 triệu USD. Đây là một phần cực nhỏ trong tổng khối lượng giao dịch toàn cầu của Bitcoin, trung bình từ 20 tỷ đến 40 tỷ USD.
Ngoài ra, thành viên Ban điều hành ECB Fabio Panetta cũng cảnh báo rằng tiền điện tử có thể đại diện cho một “lỗ hổng lớn” ở trung tâm của hệ thống tài chính.
“Nguy cơ lạm dụng tiền điện tử để lách các lệnh trừng phạt là một lời cảnh cáo rằng các thị trường này cần phải tuân thủ các tiêu chuẩn nghiêm ngặt nhất, bao gồm cả quá trình KYC, yêu cầu về chống rửa tiền và tiết lộ thông tin”
Theo: Bloomberg