Theo phát ngôn viên của Goldman Sachs, ngân hàng đầu tư đa quốc gia này đã cho phép các hoạt động vay tiền mặt diễn ra với tài sản thế chấp là Bitcoin thuộc sở hữu của người vay.
Khoản vay như vậy cho phép người nắm giữ Bitcoin có thể vay tiền tệ fiat, chẳng hạn là USD, bằng cách gửi BTC của họ làm tài sản thế chấp cho ngân hàng. Sự biến động của Bitcoin có thể khiến các khoản vay này trở nên rủi ro: nếu giá Bitcoin giảm quá sâu, người đi vay có thể sẽ được yêu cầu tăng tài sản thế chấp của họ, nếu không, họ có nguy cơ bị thanh lý hợp đồng vay.
Tháng trước, với đội ngũ chuyên gia về tài sản tiền điện tử nội bộ, Goldman đã thực hiện giao dịch OTC đầu tiên của họ. Song, Goldman không phải là ngân hàng/tổ chức tài chính duy nhất tiến vào thị trường tiền điện tử. Các ngân hàng khác trên phố Wall cũng đang đẩy mạnh hoạt động của họ trong lĩnh vực này.
Vào ngày 27/4, công ty quản lý tài sản trị giá hàng nghìn tỷ USD BlackRock đã công bố sự ra mắt của quỹ ETF tập trung vào blockchain. Đầu tháng này, họ cũng tuyên bố tham gia vào vòng tài trợ với trị giá 400 triệu USD và thiết lập mối quan hệ đối tác với Circle - nhà điều hành của stablecoin USDC.
Mặc dù các khoản vay thế chấp bằng tiền điện tử đã trở thành một yếu tố quan trọng trong thị trường tài chính phi tập trung (DeFi, hình thức vay kiểu này đang trở thành một phương pháp thay thế, giúp các tổ chức và chính phủ, nâng cao khả năng tiếp cận vốn.
Hôm qua, Propy - nền tảng đầu tư bất động sản blockchain đã công bố hợp tác với Abra để giúp khách hàng tiếp cận các khoản vay mua nhà, sử dụng tiền điện tử làm tài sản thế chấp.
El Salvador hiện đang trong quá trình đảm bảo tài chính cho việc phát hành trái phiếu chính phủ. Một trái phiếu chính phủ được hỗ trợ bởi Bitcoin sẽ được sử dụng để gây quỹ 1 tỷ USD, thúc đẩy sự phát triển của “Thành phố Bitcoin” và tăng quy mô dự trữ Bitcoin của quốc gia này.
Theo CoinTelegraph