Ngày 9/2, Cục Thống kê Lao động Mỹ cho biết Chỉ số Giá tiêu dùng (CPI) đã tăng 7,5% so với cùng kỳ năm ngoái, đánh dấu mức tăng cao nhất kể từ năm 1982. Năm 2019, trước khi đại dịch Covid-19 bùng phát, CPI ở mức 1,8%. Lạm phát tăng mạnh khiến ngày càng có nhiều người đặt câu hỏi: Bitcoin có thể trở thành tài sản phòng hộ trong thời kỳ lạm phát cao hay không?
Tình trạng lạm phát tăng đột biến
Trớ trêu thay, lạm phát tăng xảy ra khi nền kinh tế Mỹ đang phát triển mạnh mẽ. Ngay sau cuộc khủng hoảng Covid-19 với 22 triệu việc làm bị cắt giảm, nền kinh tế Mỹ phục hồi mạnh mẽ nhờ thành công của chiến dịch tiêm chủng. Tuy nhiên, các chuỗi cung ứng chưa được chuẩn bị cho sự trở lại của hoạt động kinh doanh và nhu cầu người tiêu dùng.
Sự phục hồi còn được thúc đẩy bởi gói cứu trợ Covid-19 trị giá 1,9 nghìn tỷ USD của chính quyền Tổng thống Joe Biden. Tom Siomades, giám đốc đầu tư tại AE Wealth Management, tin rằng gói kích thích kinh tế là quá nhiều, dựa trên điều kiện tài chính chung của các hộ gia đình Mỹ.
“Gói hỗ trợ CARES trị giá 1,9 nghìn tỷ USD có hiệu lực vào tháng 3, khi tỷ lệ tiết kiệm của người Mỹ ở mức 20%. Do đó, họ bơm tiền vào nền kinh tế một cách quá mức. Số tiền đó khiến những người lẽ ra phải trở lại làm việc bắt đầu suy nghĩ lại về lựa chọn của họ. Điều này dẫn đến thiếu hụt nhân công, nhu cầu tăng lương, làm chi phí và giá cả cao hơn”.
Một số nhà kinh tế chỉ ra một yếu tố tinh vi hơn về quyền định giá doanh nghiệp của các doanh nghiệp Mỹ. Các nhà sản xuất biết rằng mọi người có thể trả nhiều tiền hơn và sẽ không sẵn sàng giảm giá cho sản phẩm của họ, Siomades giải thích.
Giờ đây, lạm phát đã trở thành một vấn đề chính trị lớn đối với Đảng Dân chủ, mọi con mắt đều đổ dồn vào nỗ lực giải quyết tình trạng này của Cục Dự trữ Liên bang (Fed). Lạm phát có thể sẽ giảm dần, nếu không ở mức trước đại dịch thì ít nhất là ở mức thấp hơn vào cuối năm. Tuy nhiên, khi giá cả tăng cao đang là vấn đề nóng, nhiều người bắt đầu tìm kiếm một chiếc phao an toàn, chẳng hạn như Bitcoin.
Bitcoin - vàng kỹ thuật số
Nhiều nhà quan sát cho rằng Bitcoin thậm chí có thể hấp dẫn hơn vàng. Vào tháng 11/2021, giá Bitcoin tăng 133% so với cùng kỳ năm trước, trong khi vàng chỉ tăng 4%.
Theo Todd Ault từ công ty đầu tư Ault Global Holdings, trong 13 năm qua, Bitcoin đã vượt qua lạm phát của Mỹ một cách đáng kể nhờ một phần không nhỏ vào tính giảm phát của nó. Ông Ault nhận định rằng do nguồn cung giới hạn, ngay cả trong bối cảnh tài chính hiện tại, vẫn có nhu cầu mua Bitcoin.
Khác với vàng, Bitcoin thiếu các đặc tính chính của một tài sản có thể dự đoán được, ít biến động. Biến động giá của Bitcoin đối lập với sự ổn định tương đối của vàng. Tiền điện tử này không đóng vai trò như một công cụ để gia tăng của cải mà là một yếu tố duy trì sức mua.
“Về lý thuyết, Bitcoin tạo ra hàng rào lạm phát vì nguồn cung hạn chế, có thể giúp nó giữ giá trị theo thời gian so với tiền fiat”, theo Katie Brockman, nhà phân tích tại công ty tư vấn đầu tư The Motley Fool. Tuy nhiên, Bitcoin chỉ có thể là một tài sản lưu trữ giá trị nếu một số lượng lớn người nhận thấy nó có giá trị. Brockman nói thêm:
“Có vẻ như Bitcoin đã đạt đến giai đoạn đó. Trong khi lạm phát tăng vọt, giá Bitcoin đã giảm mạnh trong những tháng gần đây. Nó cũng giảm với tỷ lệ tương đương meme coin như Dogecoin, cho thấy nhiều nhà đầu tư coi Bitcoin đơn giản là một loại tiền điện tử khác thay vì tài sản lưu trữ giá trị ”. Để chống lạm phát, đồng tiền này sẽ cần được chấp nhận rộng rãi và danh tiếng mạnh mẽ.
Nghịch lý Bitcoin
Trạng thái của Bitcoin cũng phụ thuộc vào cách các nhà đầu tư sử dụng nó. Nếu mọi người đang giữ Bitcoin như một hàng rào chống lạm phát, nó có thể không phải chịu chu kỳ biến động giống như chứng khoán. Nhưng nếu hầu hết các nhà đầu tư giao dịch Bitcoin giống như giao dịch cổ phiếu, giá của nó có thể tương quan với những biến động của thị trường chứng khoán.
Tương lai có vẻ tươi sáng đối với Bitcoin, mặc dù lộ trình không rõ ràng. Ault tin rằng sự biến động có thể dừng lại ở mức giá khoảng 2 triệu USD mỗi BTC.
Một vấn đề khác là phân phối tiền điện tử không đều. Khi mối quan tâm đến Bitcoin ngày càng tăng và chi phí đầu tư tăng nhanh chóng, việc một khối lượng lớn coin sẽ tập trung trong số lượng ví giới hạn là không thể tránh khỏi.
Điều đó đưa chúng ta đến nghịch lý Bitcoin. Để trở thành “vàng mới” trong điều kiện lạm phát, Bitcoin cần tăng sức hấp dẫn đầu cơ, đồng thời được phân bổ rộng rãi, đồng đều hơn. Một khuôn khổ quy định hợp lý cho tiền điện tử là cách giúp nó đạt được những mục tiêu này.
Theo CoinTelegraph